eLearning xu hướng tất yếu nhưng không dễ để áp dụng thành công

eLearning xu hướng tất yếu nhưng không dễ để áp dụng thành công


Học trực tuyến trở thành xu hướng tất yếu trong tình hình đại dịch Covid-19, đang tác động trực tiếp đến đời sống – kinh tế xã hội không chỉ tại Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Xuất hiện từ khoảng cuối năm 1999, khái niệm “Học trực tuyến” bắt đầu được dùng như một thuật ngữ để chỉ ra một phương thức học tập “Phi truyền thống”.

Theo số liệu thống kê năm 2018 của Đại Học Cyber của Hàn Quốc cho thấy, tại Mỹ có hơn 80% trường cao đẳng, đại học sử dụng phương thức đào tạo trực tuyến, tại Singapore con số này là gần 90%. Theo thống kê của Global Market Insights năm 2018 giá trị của thị trường học trực tuyến trên toàn thế giới khoảng 190 tỷ USD, và dự đoán tăng lên 300 tỷ USD năm 2025. Cũng theo Statistsa thì ngay trong năm 2021, giá trị này có thể đạt 243 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, ước tính quy mô thị trường không dưới 2 tỷ USD.

Những thống kê ở trên cho ta thấy, học trực tuyến đã và đang trở thành xu hướng toàn cầu, riêng tại Việt Nam, học trực tuyến được nhiều người quen gọi là Online Learning hay eLearning, Distance Learning và cụm từ thuật ngữ “eLearining” được sử dụng nhiều hơn.

Khái niệm học trực tuyến hay eLearning là một phương thức dạy và học dựa trên công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông. Cụ thể hơn trong đó người dạy, người học, nhà quản lý, nhà lãnh đạo hay bất cứ thành phần nào có vai trò xác định đều có thể tương tác với nhau trên môi trường trực tuyến thông qua mạng internet và phương tiện truyền thông.

Môi trường trực tuyến này được tạo nên bởi rất nhiều yếu tố, trong đó thành phần chính là hệ thống Learning Management System (hay còn gọi là “LMS”) là nền tảng cho tất cả.

Có thể kể đến các nền tảng phổ biến như: Sakai, Canvas, Blackboard, Edmodo, Moodle, …  đó là những nền tảng mã nguồn mở hoặc bản quyền.

Nhiều công ty, tổ chức và các trường cao đẳng, đại học tại Việt Nam đã và đang sử dụng một trong số các nền tảng kể trên để xây dựng nên hệ thống LMS cho riêng mình, nhưng nhìn chung còn hạn chế về phạm vi áp dụng, quy mô phục vụ và đặc biệt là chưa khai thác hết các tiềm năng và lợi ích to lớn mà LMS có thể mang lại.

eLearning tại Việt Nam đang gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể như:

  • Thói quen: người dạy và người học đã quen với cách dạy và học truyền thống, người học chưa có thói quen tự học.

  • Tư duy nhà lãnh đạo: một số nhà quản lý, nhà lãnh đạo hay nhầm lẫn khái niệm của eLearning với học từ xa (đào tạo từ xa) hoặc có những đánh giá chưa đúng về tầm quan trọng và sự cần thiết của eLearning dẫn đến không được quan tâm đầu tư một cách đúng đắn.

  • Số hóa nội dung: nếu xem LMS là một bộ khung thô, thì “Nội dung” là phần hồn để tạo nên môt hệ thống hoàn chỉnh và có sức sống, có sự cuốn hút người học, người dạy, …

  • Các thành phần & công nghệ phụ trợ: eLearning không thể thành công nếu chỉ dựa trên một cá nhân hoặc một vài cá nhân riêng lẻ. Nó cần có nhà lãnh đạo thấu hiểu; người dạy học có tâm, có tầm; cần ở người học sự sẵn sàng thay đổi; cần các công cụ, tiện ích để hỗ trợ; và rất cần những chính sách tốt mang tính tổng thể và có chiến lược dài hạn.

eLearning hoàn toàn có thể áp dụng thành công cho bất kỳ một tổ chức nào đó nếu chúng ta mongmuốn giải quyết được các khó khăn như nêu trên.

Một Nhà lãnh đạo thấu hiểu và tài tình sẽ vạch ra được các chiến lược dài hạn để áp dụng và thay đổi. Chi phí ban đầu có thể là lớn, nhưng về dài hạn thì thấp hơn nhiều so với phương thức đào tạo truyền thống.

Một Nhà giáo/ Người dạy tậm tâm, muốn truyền đạt kiến thức hay, cô đọng, súc tích và không kém phần sống động trong từng chương học, từng bài giảng (Bài giảng kỹ thuật số).

Một người hỗ trợ kỹ thuật có kiến thức chuyên sâu về hạ tầng (bao gồm rất nhiều kiến thức về công nghệ) để có thể giải quyết được vấn đề tốc độ, sự ổn định, sự an toàn và bảo mật cho dữ liệu, và để hệ thống có thể đáp ứng được số lượng lớn đến cực lớn người dung sử dụng đồng thời.  

Và cũng không thể thành công nếu không kể đến các nhà xây dựng nội dung – người có thể là một nhà giáo/ người dạy học, một kiến trúc sư, một bác sĩ, một kỹ sư, thậm chí một sinh viên hay một nhà xây dựng nội dung chuyên nghiệp. Bởi đây là cốt lõi giá trị mà nhà lãnh đạo, người dạy học, người hỗ trợ trợ kỹ thuật, … mong muốn mang đến cho Người học (Người thụ hưởng quan trọng nhất mà chúng ta hướng tới).

Tóm lại, eLearning là phương pháp học tập trên nền tảng là một hệ thống LMS, trong đó có rất nhiều thành phần, rất nhiều nội dung và các công cụ tiện ích khác nhau nhằm phục vụ cho việc kết nối, tương tác của việc quản lý, quản trị, dạy học và học tập. Mỗi thành phần đều có một vai trò quan trọng và không thể thiếu, nó là những mắt xích để kết nối và giúp hệ thống vận hành theo nhu cầu/ yêu cầu của từng nơi muốn áp dụng.

eLearning hay LMS đã và đang là xu thế trên toàn thế giới, hiện nay tại Châu Á đã có Singapore, Hàn Quốc và Nhật bản đã rất thành công. Còn ở Việt Nam chúng ta muốn bắt kịp thì rất cần những nhà lãnh đạo, nhà quản lý giáo dục, nhà giáo, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước cùng chung tayphát triển.

Nguồn: HDN & HNN