Giảng viên 8X thành chủ nhà hàng ẩm thực

Giảng viên 8X thành chủ nhà hàng ẩm thực


Từ một giảng viên đại học, Đặng Trần Huy rẽ sang kinh doanh ngành F&B, sau 6 năm, anh sở hữu 4 nhà hàng có lúc doanh thu vài tỷ đồng một tháng.

Đặng Trần Huy sinh năm 1989 vốn là giảng viên, kiêm cán bộ quản lý đào tạo tại một trường đại học nhưng lại có đam mê kinh doanh. Năm 2014, sau khi học xong chương trình học bổng tại Ấn Độ, anh trở về Việt Nam cùng bạn bè buôn bán cửa hàng quần áo sỉ. Thời gian đó, anh vừa công tác trong trường, vừa làm ngoài. Đấy là bước đệm đầu tiên giúp anh dấn vào con đường khởi nghiệp.

Giữa năm 2014 đến 2015, do tính chất đi lại tại Trung Quốc nhiều để nhập hàng quần áo, anh đã tìm thấy đam mê về món lẩu uyên ương 2 ngăn.

Anh cho biết rất thích ẩm thực Trung, nó mang phong cách cổ xưa đặc trưng của nền văn hóa và con người. Đặc biệt, món lẩu có nguồn gốc từ Tứ Xuyên và được phát triển ở Trùng Khánh đã chiếm trọn trái tim anh ngay lần đầu thưởng thức. "Mình tự hỏi, sao không mang chúng đến Việt Nam? Và thế là ý tưởng mở nhà hàng về lẩu Tứ Xuyên đã ra đời như thế", anh nhớ lại.

Đặng Trần Huy từ giảng viên đại học rẽ sang kinh doanh ẩm thực vì đam mê. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Vì có đam mê với ẩm thực nên trước khi bắt đầu mở nhà hàng, anh đã sang tận nơi cho ra đời món lẩu Tứ Xuyên để tìm thầy giỏi theo học.

"Đầu tiên tôi tham dự các hội chợ về lẩu, những ngày hội tôn vinh lẩu Tứ Xuyên, sau đó tìm cách liên hệ với những sư phụ (các đại biểu được tuyên dương ở ngày hội) để xin học", anh kể.

Huy cho biết, để nấu món lẩu này, tất cả đều phải tuân theo công thức rất chuẩn xác. Còn muốn tạo ra chất riêng chỉ cần thêm chút tinh tế của người đầu bếp và kinh nghiệm làm nghề lâu năm.

Chính trong thời gian đi học nghề này giúp anh tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm cũng như mối quan hệ. Cứ thế, anh học cách lao tới phía trước như một người không có gì để mất.

Thời điểm quyết định khởi nghiệp mảng F&B này, anh nhận thấy ngoài Hà Nội số lượng nhà hàng về lẩu Hong Kong, Tứ Xuyên không nhiều, nếu có thì rất đắt. Do đó, anh đã dùng số vốn 300 triệu đồng từ tích lũy và mượn người thân để hợp tác cùng bạn mở nhà hàng đầu tiên tại Hà Nội.

Nhưng khi bắt tay thực hiện, khâu khó nhất là tìm mặt bằng. "Tôi mất cả nửa năm mới tìm được mặt bằng ưng ý", anh cho hay.

Thời gian đầu mở nhà hàng tại đây, công việc kinh doanh khá thuận lợi. Khách dần quen với vị của đầu bếp chế biến và tỷ lệ khách quay lại ngày càng tăng. Tuy nhiên, ngay lúc ấy, mặt bằng đã bị lấy lại. "Tôi hụt hẫng vô cùng vì đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc vào. Nhưng rồi sau đó tôi bắt đầu lại và mọi thứ tiếp tục đi vào ổn định", anh nói.

Sau một năm, anh lại nhận được lời mời hợp tác mở nhà hàng tại Nha Trang. Thấy môi trường kinh doanh và sinh sống ở thành phố biển khá tốt, anh quyết định mở nhà hàng thứ hai và thứ ba tại đây. Những ngày đầu, anh cho biết không có gì ngoài lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, nếu có thất bại thì tiếp tục làm lại.

Năm 2019, anh có chuyến đi khảo sát Đà Nẵng để nghiên cứu thị trường, tìm mặt bằng, đối tác... và thấy đây là một nơi tiềm năng cho việc mở nhà hàng tiếp theo. Anh lựa chọn Đà Nẵng vì đây là thành phố đáng sống, đang trên đà phát triển và là tâm điểm của ngành du lịch Việt Nam. Anh thấy quá nhiều cơ hội để bắt đầu với thành phố này và nhà hàng lẩu Hong Kong tại Đà Nẵng đã ra đời đầu năm 2020.

Với nhà hàng này, nhờ có sẵn mô hình nên việc đào tạo nhân viên, công tác vận hành không mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, không may là thời điểm chọn xong mặt bằng, đi vào sửa chữa thì đại dịch xảy ra, mọi công việc đều đình trệ, mọi kế hoạch của anh đều phải hoãn lại. "Từ ngày ấn định khai trương cho tới ngày khai trương chính thức, mình phải lùi tới 3 tháng. Sau đó, mở được thêm 2 tháng lại tiếp tục đóng cửa do đợt dịch thứ 2 bùng phát. Chưa kể xen kẽ là những trận bão đổ bộ vào thành phố", anh nhớ lại.

Những tưởng sẽ không thể tiếp tục kinh doanh được nữa vì vắng khách, giãn cách xã hội và chi phí duy trì quá cao... Nhiều đêm anh phải uống say mới có thể chìm vào giấc ngủ vì lo nhà hàng không thể trụ được, nhân viên mất việc nếu tình hình dịch bệnh phức tạp. Bản thân anh kiêm từ đầu bếp, đến nhân viên phục vụ, quản lý để tạo động lực cho nhân viên. Đồng thời anh cắt giảm mọi thứ không cần thiết để tiết kiệm tối đa chi phí.

Các nhà hàng của Huy quy mô không quá lớn, chỉ tầm khoảng 80-100 khách nhưng trước khi có dịch, nhiều thời điểm doanh thu trung bình mỗi nhà hàng lên đến 1,5 tỷ đồng một tháng.

Anh cũng cho biết, trước đây nhà hàng chuyên tiếp khách đoàn nên chọn vị trí xa trung tâm, có thể đỗ được xe 45-50 chỗ. Giờ dịch bệnh phức tạp, anh phải chuyển vào trung tâm để đón khách nội.

Với tình hình dịch bệnh vẫn còn khó khăn, mục tiêu ngắn nhất anh cần hoàn thành là sống sót trong giai đoạn khó khăn này trước khi có ý định mở rộng tiếp tục. Sau khi mọi thứ ổn định hơn, anh sẽ mở chi nhánh và phát triển các nhà hàng theo chiều ngang. Các kế hoạch đều có thể điều chỉnh vì Covid-19 nhưng anh tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn.

Hiện thương hiệu của Huy nhận được lời mời nhượng quyền với giá 7 tỷ đồng (bao gồm nhượng tên thương hiệu, đào tạo nhân viên, công thức nấu món).

Anh cho biết, lựa chọn con đường khởi nghiệp, ban đầu bố mẹ không hài lòng vì anh không đi theo những gì gia đình sắp xếp và mong muốn. Nhưng vì thương con, mẹ vẫn cho anh sự ủng hộ và động viên. Sau này khi thấy được sự quyết tâm cũng như thành quả ban đầu, bố anh cũng đã ủng hộ hết lòng. "Bố mẹ lo tôi khởi nghiệp ngành F&B vất vả. Nhưng tôi đã tự trấn an và tạo niềm tin cho gia đình với những gì đã làm được trong 6 năm qua", anh nói.

Với Huy, khởi nghiệp luôn có hai đáp án, một là thất bại, hai là thành công. Bản thân anh cho rằng thất bại chỉ là bài học để giúp mình trưởng thành hơn chứ không bao giờ khiến mình nản chí mà từ bỏ. Để có được chỗ đứng với ngành ẩm thực, việc tìm kiếm mặt bằng tốt, thuận tiện cho việc mở nhà hàng là điều quan trọng.

"Kinh doanh nhà hàng đòi hỏi cần linh hoạt trong mọi tình huống, từ mặt bằng, nhân viên, chất lượng dịch vụ, món ăn... Và để đảm bảo mọi việc diễn ra thuận lợi, bạn cần xem xét kỹ địa điểm mở, làm hợp đồng với chủ nhà có các điều khoản bảo vệ lợi ích của mình...", Huy chia sẻ.

Một bài học lớn khác mà anh nhận ra trong suốt chặng đường đã qua là làm gì cũng phải có tâm. "Cái tâm với nghề, với khách, với nhân viên và với chính bản thân mình. Dù cuộc sống, công việc có khó khăn thế nào nếu giữ được cái tâm đúng thì mọi thứ đều có thể vượt qua", anh tâm đắc.

Anh cũng cho rằng để bắt đầu với ngành F&B, một ngành thực sự vất vả cho những ai chưa thử qua thì đam mê thôi chưa đủ, cần sự quyết tâm và kiên trì đi đến cùng. Hãy lên mục tiêu và bám vào nó để tạo nên những bứt phá cho mình. Từ đó con đường mới có thể mở rộng và kéo dài được.

Nguồn bài viết: https://vnexpress.net/giang-vien-8x-thanh-chu-nha-hang-am-thuc-4254976.html